Indochine hay còn gọi là phong cách Đông Dương trong thiết kế nội thất là sự kết hợp vừa tinh tế vừa nổi bật giữa một không gian hoài cổ của truyền thống Á Đông và hiện đại, lãng mạn của các công trình kiến trúc Pháp. Những ngôi nhà, công trình được thiết kế theo phong cách Indochine luôn mang một nét đẹp đặc trưng và trường tồn với thời gian.
1. Nguồn gốc phong cách Đông Dương Indochine
Trong tiếng Pháp, Indochine được dùng để chỉ các nước nằm ở bán đảo Đông Dương (bán đảo Trung-Ấn) gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia và Myanmar. Trong đó, nền văn hóa Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ nền văn hóa Trung Quốc, còn các nước Lào, Campuchia lại chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa Ấn Độ. Phong cách Indochine là thành quả của sự giao thoa và kết hợp giữa hai nền văn hóa này. Do đó, phong cách này có sự sáng tạo, tính thẩm mỹ cao nhưng vẫn giữ vững nét tinh hoa của cả hai nền văn hóa mang bản sắc riêng và bề dày lịch sử.
Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian Pháp đô hộ Việt Nam, nền văn hóa Pháp đã du nhập và tạo ra một trào lưu mới trong thiết kế nội thất. Tuy nhiên, do một số bất lợi về khí hậu, môi trường, địa lý… chất liệu được sử dụng trong các thiết kế của người Pháp được chuyển đổi dần qua các chất liệu có sẵn ở Việt Nam. Chính vì thế, phong cách Indochine cũng chính là sự hòa quyện giữa văn hóa Việt Nam và Pháp.
2. Phong cách Indochine hiện đại và đặc điểm của nó
Phong cách Indochine là sự pha trộn giữa nền văn hóa phương Đông và nền văn hóa phương Tây. Những năm gần đây phong cách này được đưa vào trong thiết kế nội thất ngày càng nhiều và được gói gọn trong 3 từ “hiện đại – tinh tế – mộc mạc” nhằm mang đến một không gian thoải mái, mộc mạc, dân dã nhưng vẫn luôn cuốn hút, hiện đại và đầy đủ tiện nghi.
Đặc điểm nổi bật của phong cách Đông Dương Indochine hiện đại:
Indochine là một trong những phong cách thiết kế nội thất hiện đại được nhiều người ưa chuộng bởi những nét đặc trưng sau:
2.1. Màu sắc
Trong các thiết kế Indochine hiện đại , màu sắc được sử dụng thường là các gam màu trung tính: vàng nhạt, vàng kem, trắng , nâu hoặc đen. Các màu sắc này được lấy cảm hứng từ các kiến trúc cung đình, đền, chùa nhằm tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc và phù hợp với nền văn hóa tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các không gian mang phong cách này thường được kết hợp với một số màu sắc khác như xanh dương, xanh ngọc,vàng cam, tím, đỏ,.. nhằm tạo điểm nhấn cho căn phòng, giúp cho ngôi nhà không chỉ mang những nét thuần khiết từ nền văn hóa Đông Dương mà còn phảng phất những nét đẹp hiện đại, tinh tế.
2.2. Chất liệu
Với tiêu chí “xanh-sạch-đẹp”, phong cách Indochine sử dụng các chất liệu đến từ thiên nhiên và mang đậm chất phương Đông. Các chất liệu này được thiết kế thành những món đồ không chỉ tinh tế, có giá trị thẩm mỹ cao mà còn vô cùng tiện dụng. Các chất liệu chính trong phong cách này gồm:
+ Gỗ
Gỗ dường như là chất liệu nội thất được sử dụng trong hầu hết mọi phong cách thiết kế và đối với Indochine, gỗ là một trong những chất liệu không thể thiếu.
Với những ưu điểm vượt trội như đường vân mềm mại, độc đáo, độ bền cao, màu sắc tinh tế, khả năng chịu lực, chịu nhiệt ấn tượng, mùi hương đặc trưng, gỗ mang đến cho các thiết kế theo phong cách Indochine một không gian mộc mạc, tự nhiên nhưng vô cùng cuốn hút và yên bình, sang trọng. Không những thế, nội thất gỗ được dùng trong các thiết kế này thường sẽ được phủ thêm một lớp sơn màu đen để tăng thêm sự hoài cổ cho không gian.
Bên cạnh các món đồ nội thất như bàn, ghế, giường, tủ,… gỗ còn được tận dụng làm sàn nhà, trần nhà.
+ Tre
Gây ấn tượng bởi khả năng chống mối mọt tốt, độ bền chắc cao, đặc biệt phù hợp với điều kiện khí hậu ở Việt Nam. Tre là chất liệu được ứng dụng rộng rãi trong các thiết kế Indochine như đồ trang trí, những tấm vách ngăn ,… nhằm mang đến một không gian mềm mại và tăng độ thẩm mỹ cho ngôi nhà.
+ Gạch
Trong các kiến trúc mang phong cách Đông Dương, sàn nhà thường được lát bằng những viên gạch bông hoặc gạch nung có kích thước nhỏ nhằm tạo ra nét đẹp sang trọng và vô cùng tinh tế. Đây cũng là một trong những nét đặc trưng của phong cách này.
2.3. Hoa văn họa tiết
Phong cách Đông Dương là sự giao thoa giữa các nền văn hóa. Điều này được thể hiện rõ qua các họa tiết, hoa văn trang trí. Hầu hết các hoa văn này được đến từ thời Đông Sơn bao gồm các họa tiết tứ linh, kỳ hà, mắc lưới, hoa lá,…Chúng được tái hiện lại một cách đơn giản, cách điệu nhưng không kém phần nghệ thuật, tinh tế và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong đó:
+ Họa tiết kỷ hà
Họa tiết kỷ hà thường được sử dụng trong các món đồ trang trí nhằm tạo nên một nét đẹp cuốn hút, ấn tượng. Nó được phân làm ba nhóm, bao gồm:
Họa tiết mắc lưới: Họa tiết này có hình dáng và mắc lưới giống mai rùa nên được gọi là kim quy. Các mắc lưới này không đều, được cách điệu và có hình dáng khá giống chữ nhân trong tiếng Hán (人). Chúng có thể đứng một mình hoặc xếp chồng lên nhau, đan xen vào nhau tạo thành hình thoi nhỏ, hình sao,…
Họa tiết vòng tròn: Họa tiết này có hình dáng giống đồng xu nên còn được gọi là đồng tiền vàng. Các họa tiết vòng tròn đè lên nhau, được cách điệu sẽ tạo ra họa tiết hoa thị.
Họa tiết hồi văn: Đây là một loại họa tiết kỷ hà quan trọng trong phong cách thiết kế Đông Dương. Nó bao gồm các họa tiết có dáng vẻ giống nét chữ á (亞), chữ thập (卐) , chữ vạn (萬) và chữ công (工). Loại họa tiết này thường được dùng làm vách ngăn, chân bàn, quai bình,…
+ Họa tiết hình chữ nhật
Phong cách Indochine là sự giao thoa với nền văn hóa của Trung Quốc. Điều này được hiện trong hầu hết các họa tiết trang trí, nổi bật là các họa tiết hình chữ nhật được kết tinh từ các Hán tự gồm Phúc, Lộc, Thọ và Hỷ với ngụ ý mang đến sự may mắn, cát tường. Hơn nữa, các họa tiết này luôn được cách điệu đơn giản, tạo sự gọn gàng, tinh tế, liền mạch trong từng hoa văn trang trí.
+ Họa tiết tĩnh vật
Họa tiết tĩnh vật bao gồm:
Trái châu: Họa tiết này được gắn liền với hình ảnh hai con rồng được cách điệu ở hai bên góc mái, thường xuất hiện ở các chùa chiền, đền thờ.
Bát cửu: Bộ bát cửu gồm quyển sách, đàn, bút, thanh gươm, hoa, bông sen, bầu rượu, quạt.
+ Họa tiết hoa lá, dây lá, quả
Thông thường các họa tiết hoa lá được sử dụng trong phong cách Indochine là các biểu tượng của Tứ Quý, bao gồm: cây tùng, cây trúc, cây mai, hoa cúc,… Bên cạnh đó, các họa tiết hoa lá, dây leo đơn giản được sử dụng làm viền khổ.
+ Họa tiết hình thú
Trong quan niệm của người Việt, các họa tiết mang hình thú sẽ đem đến sự may mắn gồm các họa tiết Tứ Linh: Long-Lân -Quy -Phụng. Chúng thường được kết hợp với các họa tiết kỷ hà, hình chữ hay hồi văn nhằm tôn lên nét đẹp độc đáo và sang trọng.
Ngoài ra, các họa tiết hình thú như cọp, hổ, ngựa, cá chép, cò,… cũng được sử dụng trong thiết kế Indochine và cũng mang nét nghĩa đem đến sự may mắn, thịnh vượng.
2.4. Tượng, phù điêu trang trí
Tượng, phù điêu trang trí không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật được điêu khắc tỉ mỉ, chỉn chu đến từng chi tiết mà còn là một sản phẩm mang giá trị tinh thần to lớn đối với nền văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Chúng bao gồm các biểu tượng như:
Tượng Phật: Đây là một biểu tượng của tôn giáo, cụ thể là Phật giáo, tượng trưng cho sự thanh cao và yên bình
Con rối: Đây là một biểu tượng dân gian
Tứ Linh: Đây là biểu tượng cho sự may mắn, thịnh vượng
Hoa sen: Biểu tượng này xuất hiện từ thời Lý, tượng trưng cho sự trong sạch, thanh tịnh. Đây là một biểu tượng của Phật giáo
Hoa cúc: Đây là biểu tượng cho sự bình dị, thanh cao nhưng kín đáo và lâu bền
Cây bồ đề: Đây cũng là một biểu tượng của Phật giáo, tượng trưng cho sự đại giác của đức phật
2.5. Đồ nội thất
Đồ nội thất được sử dụng trong các thiết kế theo phong cách Indochine luôn mang nét đẹp của truyền thống và được ưu tiên các chất liệu tự nhiên như gỗ tự nhiên, mây, tre, nứa,…Mỗi một món nội thất đều mang nét đặc trưng và ý nghĩa riêng. Chúng thể hiện sự ảnh hưởng của phong cách sống bản địa với phong cách của người Pháp và sự giao thoa giữa các nền văn hóa.
3. Các kiểu kiến trúc phù hợp với phong cách Đông Dương hiện đại
Phong cách Indochine hiện đại dần được phát triển và ứng dụng rộng rãi trong nhiều công trình với quy mô khác nhau, từ nhà hàng, biệt thự đến chung cư, nhà ống hay các tiệm cà phê, homestay.
3.1. Biệt thự
Một trong những ứng dụng được phát triển sớm nhất của phong cách Indochine là cách trang trí nội thất Đông Dương cho không gian biệt thự. Được biết đến với những món nội thất sang trọng, được làm bằng các loại gỗ tốt, gỗ quý có độ bền cao, việc lựa chọn nội thất cho không gian thiết kế cần được cân nhắc kỹ lưỡng về yếu tố kích thước và trọng lượng.
Tuy nhiên, với diện tích không gian lớn của biệt thự thì các vấn đề này sẽ không gây nhiều khó khăn cho gia chủ. Do đó, gia chủ có thể thoải mái thiết kế không gian cho biệt thự, đáp ứng các yêu cầu thẩm mỹ tối đa và tạo ra một không gian tự do và mang đậm phong cách riêng.
Chính vì vậy, trong không gian biệt thự Indochine, từ phòng khách đến phòng ngủ và phòng bếp đều đem đến một cảm giác thoải mái, sang trọng và có một sức hút đặc biệt.
3.2. Nhà ống
Thiết kế phong cách Indochine cho các kiến trúc nhà ống hiện đang là một trong những hạng mục đang được nhiều người quan tâm. Nhà ống được xem là loại hình nhà ở phổ biến nhất tại Việt Nam với đặc trưng bề ngang hẹp và chiều dài sâu. Do đó, khi thiết kế phong cách Indochine cho không gian kiến trúc này, bạn cần lưu ý:
+ Phân chia không gian chức năng một cách thích hợp
+ Đảm bảo các yếu tố phong thủy và sự hài hòa cho không gian
+ Lựa chọn nội thất sáng tạo và phù hợp với không gian thiết kế, tạo hiệu ứng mở rộng không gian
+ Bổ sung các yếu tố gần gũi với thiên nhiên như cây cảnh, nội thất gỗ tự nhiên,… nhằm tạo không gian thoáng đãng, thân thiện với môi trường
+ Ưu tiên các sản phẩm nội thất đơn giản nhưng tinh tế và giữ được bản chất của phong cách Indochine
3.3. Chung cư
Thiết kế nội thất chung cư theo phong cách Đông Dương là hạng mục đang được nhiều giới trẻ quan tâm. Mặc dù bị hạn chế bởi bố cục theo khuôn mẫu của tòa nhà, căn hộ chung cư Indochine được thiết kế theo một cách riêng, là một phiên bản thu nhỏ của các dấu ấn văn hóa kiến trúc bản địa. Từng chi tiết, hoa văn, yếu tố trong không gian thiết kế đều là tinh hoa truyền thống kết hợp chặt chẽ với nét văn hóa hiện đại, đồng thời, kiểu dáng, kích thước nội thất sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp với căn hộ.
3.4. Nhà hàng, quán cà phê
Không chỉ phổ biến trong các công trình kiến trúc mang tính chất cá nhân, phong cách Indochine còn được thiết kế cho các công trình mang không gian công cộng, nhằm mục đích kinh doanh như nhà hàng, quán cà phê. Sẽ không quá khó để tạo nên một không gian cà phê, nhà hàng Indochine nếu bạn cân bằng được các yếu tố như thiết kế mặt tiền, quầy bar, các bố trí không gian, ánh sáng, màu sắc cho từng khu vực. Thông thường, toàn bộ không gian của công trình này sẽ được bao quanh bởi một lớp tường gạch đơn giản, thô sơ. Tuy nhiên, khi đi sâu vào bên trong, bạn sẽ bị cuốn hút bởi những hình ảnh thân thuộc, mộc mạc bởi không gian mang đậm nét quá khứ.
3.5. Homestay
Trong những năm gần đây, những homestay mang phong cách Indochine dần nổi lên như một trào lưu mới cho không gian nghỉ dưỡng. Để tạo ra một không gian nghỉ dưỡng tốt, những homestay Indochine cần hạn chế các chi tiết rườm rà, phức tạp và đảm bảo không gian sạch sẽ, thoáng mát nhằm mang đến cảm giác thư giãn, dễ chịu nhất. Do đó, thay vì chỉ tập trung vào yếu tố thẩm mỹ, bạn cần chú ý đến việc tối ưu hóa công năng và đảm bảo cung cấp đầy đủ mọi tiện nghi cho không gian.
4. Ứng dụng nội thất phong cách Đông Dương hiện đại
Đối với mỗi không gian riêng biệt, phong cách Indochine sẽ được điều chỉnh một cách linh hoạt nhằm đảm bảo các yếu tố thẩm mỹ và tiện nghi cho không gian.
Phòng khách
Trong bất cứ phong cách thiết kế nào, phòng khách luôn là không gian được chú trọng nhất trong các kiến trúc nhà ở. Phòng khách Indochine thường có những đặc trưng sau:
+ Nội thất mang đậm nét văn hóa Đông Dương
+ Gam màu chủ đạo: màu vàng kem, trắng hoặc các màu sắc trung tính ngoài ra các màu sắc như đen, vàng, xanh rêu cũng được sử dụng làm tăng tính hiện đại cho không gian
+ Gỗ tự nhiên là chất liệu được ưu tiên nhất trong thiết kế phòng khách Indochine như bàn gỗ, tượng, sàn gỗ hay trần nhà gỗ,…
+ Họa tiết cách điệu được lấy cảm hứng từ nền văn hóa Đông Sơn
+ Sự xuất hiện của Tứ Linh: Long-Lân-Quy-Phụng tạo điểm nhấn cho không gian
Các họa tiết Tứ quý: Tùng-Cúc-Trúc-Mai làm tôn lên nét sang trọng, đẳng cấp cho không gian.
+ Một số chi tiết khác: tượng Phật, phù điêu, ….
Phòng ngủ
Phòng ngủ Indochine là một không gian nghỉ ngơi mang đậm giá trị truyền thống. Đây sẽ là một không gian hoàn hảo cho những ai yêu thích không gian hoài cổ, giản dị nhưng vô cùng tinh tế.
Gam màu chủ đạo của phòng ngủ thường là các gam màu trung tính dịu nhẹ nhằm mang đến cảm giác mát mẻ, thư giãn. Thông thường, màu trắng sẽ là màu chủ đạo, màu vàng nhạt, xanh nhạt là màu của đồ nội thất và màu đỏ đậm, tím, vàng cam thường được dùng làm điểm nhấn cho không gian. Sự kết hợp này sẽ tạo nên một không gian hài hòa, có tính thẩm mỹ cao.
Bên cạnh đó, các yếu tố ánh sáng cần được đảm bảo và có sự kết hợp chặt chẽ giữa ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo trong không gian phòng ngủ Indochine.
Ngoài ra, các yếu tố chất liệu nội thất, hoa văn trang trí cần phải giữ được bản chất của phong cách Indochine.
Phòng bếp
Không gian phòng bếp Indochine nên được thiết kế đơn giản nhưng đầy đủ tiện nghi và đảm bảo tính thẩm mỹ. Bên cạnh những món đồ đơn giản, mộc mạc, phòng bếp cần được trang bị những thiết bị hiện đại như bếp, kính ốp bếp hay những món đồ gia dụng cần thiết để đảm bảo sự tiện nghi và công năng sử dụng của gian bếp. Điều này sẽ giúp người nội trợ tiết kiệm thời gian và công sức hơn cho việc nấu nướng và dọn dẹp. Nội thất được sử dụng trong không gian phòng bếp vẫn sẽ ưu tiên các chất liệu gỗ nhằm đem lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Ngoài ra, để tăng thêm phần tươi mát cho không gian, khu vực bếp thường được bày trí thêm một vài chậu cây xanh.
Phong cách Indochine là kết quả của sự giao thoa giữa nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Nó mang đến một không gian vừa hoài cổ vừa sang trọng nhưng cũng không kém phần hiện đại. Do đó, việc vận dụng các thiết kế nội thất Indochine vào không gian hiện đại đòi hỏi sự tinh tế và khéo léo trong việc lựa chọn để tạo nên một không gian sống tinh tế và tạo một sức hút ấn tượng, sang trọng và đẳng cấp.
4. Gợi ý những món đồ nội thất phong cách Indochine hiện đại
Trên đây là một vài gợi ý về phong cách Indochine hiện đại được mang theo nét đặc trưng của cả phương Đông và phương Tây.